TP.HCM có 24 thư viện công cộng (TVCC) đặt tại các trung tâm
văn hóa quận, huyện. Những thư viện này được xem là cơ quan giáo dục
ngoài nhà trường, là nơi học tập suốt đời cho mọi công dân. Thế nhưng,
hiện nay số bạn đọc tìm đến loại hình thư viện này ngày càng giảm.
Những con số nghèo nàn
Trong phòng đọc rộng hơn 40m2 của TVCC Q.Thủ Đức, TP.HCM cuối giờ
chiều 26-7 chỉ có vỏn vẹn một bạn đọc và một cán bộ hưu trí đến mượn
sách. Chị Nguyễn Thanh Thảo - nhân viên thư viện cho biết trung bình mỗi
ngày thư viện Q.Thủ Đức phục vụ từ 15-20 lượt bạn đọc, bao gồm cả phòng
mượn và phòng đọc. Ngay cả TVCC Q.Phú Nhuận nằm ngay trung tâm TP mỗi
ngày cũng chỉ phục vụ 25-30 lượt bạn đọc. Cô Võ Thị Thanh Hương - trưởng
thư viện cho biết: “Bạn đọc đến thư viện chủ yếu là người cao tuổi, hưu
trí, còn học sinh, sinh viên chỉ thỉnh thoảng mới đến vào mùa thi”.
TVCC Q.Gò Vấp thu hút được nhiều bạn đọc hơn bởi từ năm 2009, thư viện
đã lắp đặt 9 máy vi tính giúp tra cứu dữ liệu và nối mạng internet. Theo
ghi nhận của chúng tôi, bạn đọc chủ yếu sử dụng máy tính vào các hoạt
động giải trí nghe nhìn. Còn số bạn đọc đọc sách, báo thì ngày cao điểm
cũng chỉ đạt 20-30 lượt/ngày.
TVCC Hóc Môn do đã ba lần chuyển cơ sở nên số bạn đọc hiện nay chỉ
vào khoảng 20 lượt/ngày. Một nhân viên thư viện cho biết: “Sắp tới có
khả năng thư viện này phải chuyển sang địa điểm khác, mỗi lần chuyển là
mỗi lần thất lạc sách và mất đi một lượng bạn đọc”.
Chỉ hoạt động bề chìm
Thang điểm tối đa để đánh giá một trung tâm văn hóa quận, huyện là
100, trong đó thư viện nếu hoạt động tốt hết mức chỉ chiếm 10 điểm. Vì
vậy, nếu xét ở khía cạnh phấn đấu vì thành tích, điểm số của thư viện
không làm ảnh hưởng lớn đến điểm tổng kết thi đua là bao. Vì thế, thư
viện chỉ hoạt động bề chìm, vì đầu tư cho thư viện không kiếm ra tiền
bằng đầu tư cho các hoạt động văn hóa khác?!?
Diện tích thư viện ở một số quận, huyện khá nhỏ. Phí phục vụ ở các
TVCC quận huyện hiện nay rất rẻ, chỉ dao động ở mức 10-30 ngàn đồng/năm,
thậm chí có đến 80% thư viện cấp thẻ và phục vụ miễn phí như Thư viện
Q.12, Thư viện huyện Hóc Môn. Một cán bộ Thư viện Khoa học tổng hợp
TP.HCM cho biết: “Kinh phí hoạt động hàng năm của thư viện bao gồm mua
sách, báo mới và các hoạt động phong trào hầu hết dựa vào kinh phí do
Nhà nước cấp. Trong đó có 30% TVCC được nhận bình quân 70 triệu
đồng/năm, 60% TVCC nhận được 40 triệu đồng/năm và 10% dường như không
nhận được kinh phí mua sách báo mới”. Bên cạnh kinh phí, vấn đề nhân lực
hiện tại cũng chỉ nằm trong mức 2-4 nhân viên/ cơ sở. Với quan điểm thư
viện là công việc nhàn khiến cho không ít nhân sự tại thư viện quận,
huyện không nằm trong đội ngũ được đào tạo bài bản về nghiệp vụ. Trong
khi đó, quy trình để một cuốn sách xuất hiện trên kệ phục vụ bạn đọc đòi
hỏi kỹ năng nghiệp vụ và cả cái tâm của người làm nghề. Ông Bùi Xuân
Đức - Giám đốc thư viện Khoa học tổng hợp TP.HCM trăn trở: “Việc sáp
nhập TVCC vào trung tâm văn hóa quận, huyện như hiện nay vô tình khiến
nó bị khống chế về mặt không gian, không xứng tầm là một thư viện cấp
quận. Hơn nữa, khi đi vào trung tâm văn hóa có rất nhiều hoạt động khác
chi phối. Môi trường không thuận lợi như vậy nên nhiều người bỏ thư viện
là chuyện bình thường. Thư viện cần một vị trí trung tâm, thuận lợi để
người dân tìm đến nhanh chóng. Được như thế thì hoạt động thư viện sẽ
khác hơn”.
Bài, ảnh: Minh Ly